10 kỹ thuật giúp bạn chơi một bài piano hay hơn

Cùng một bài hát nhưng có người lại vận dụng kỹ thuật phù hợp, sẽ khiến cho bài piano solo trở nên hay hơn, truyền cảm và sinh động hơn. Vậy những kỹ thuật giúp bạn chơi một bài piano hay hơn đó là gì?
Nếu bạn đã có thể chơi piano cover, piano solo theo phương pháp Piano Solo Method của Bội Ngọc hoặc có trình độ và khả năng tương tự, thì bài viết này sẽ giúp cho bạn có những ý tưởng mới để giúp cho những bản nhạc mà mình từng chơi khác biệt và sinh động hơn.
Piano Cover hay còn gọi là chơi lại một bài hát, bản nhạc có lời / không lời nào đó theo cách của mình, nếu bạn có nhiều kinh nghiệm chơi đàn, quan sát, cảm âm và vận dụng từ cách chơi của những nghệ sỹ chơi piano, thì hoàn toàn có thể phát triển được khả năng sáng tạo của mình cho bài piano hay hơn.
Bài viết này đặc biệt đề cập tới chơi piano hiện đại và không nhắc đến chơi piano cổ điển.
Bên dưới đây là 10 kỹ thuật mà bạn có thể vận dụng cho bài piano của mình hay hơn.
Ngoài ra, Bội Ngọc dự kiến sẽ ra mắt khoá học Nâng Cao Kỹ Thuật Solo Piano vào năm 2020, nếu bạn quan tâm, có thể để lại thông tin ở khung bên dưới để nhận thông tin & ưu đãi khi khoá học được phát hành:
Nội dung bài viết
#1. Điều khiển lực ngón tay mạnh nhẹ
Một kỹ thuật vô cùng đơn giản những tạo sự khác biệt rất lớn cho cùng một bài hát với cách chơi như nhau, thì người nào biết cách điều khiển lực ngón tay mạnh nhẹ sẽ khiến cho bài hát nghe truyền cảm và hay hơn so với việc giữ nguyên lực ngón tay như nhau xuyên suốt bài hát.
Thông thường bạn có thể luyện tập được phần mạnh nhẹ này khi đã kết hợp hai tay tương đối thuần thục (tối thiểu tập đàn 6 tháng – 1 năm), hoặc đã chơi bài hát rất lưu loát và nhuần nhuyễn, thì mới tập tới phần mạnh nhẹ & thêm biểu cảm mạnh nhẹ cho bài hát.
Phần đặt lực tay mạnh hơn cho bài hát thường nằm ở: đầu mỗi ô nhịp, những câu nhạc mang giai điệu cao trào, những câu nhạc kết thúc một đoạn nhạc để bắt đầu vao đoạn nhạc mới cao trào hơn.
Xen kẽ phần mạnh, là phần nhẹ, và cứ như vậy bạn sẽ tạo nên một luồng sóng mạnh nhẹ lên xuống liên tục cho bài hát để đưa vào biểu cảm cho bài.
Sự cao trào của bài hát thể hiện ở việc: độ mạnh của lực ngón tay tăng dần, dồn dập dần bằng cách chơi các tiết tấu nốt kép, fill-in chạy ngón, hoặc ngắt nhịp một cách bất ngờ.
Cách luyện tập lực ngón tay mạnh nhẹ:
1/ Dành cho tay trái: khi rải một thế bấm tay trái bất kỳ, bạn điều khiển lực tay ở tay trái sao cho tiếng của nó nghe nhẹ và nhỏ hơn phần tiếng của tay phải. Ở những nốt bắt đầu của một thế bấm (thường bắt đầu bằng ngón út), bạn điều khiển chơi ngón đó mạnh hơn những ngón còn lại trong thế bấm đó.
2/ Dành cho tay phải: bạn nhấn mạnh lực tay ở những câu nhạc cao trào, nhấn mạnh hơn ở những nốt nhạc đầu ô nhịp và những nốt nhạc cuối ô nhịp chơi nhẹ lại.
3/ Giảm âm cho cả hai tay bằng cách sự dụng pedal: dậm 2 pedal trái và phải cùng lúc giúp giảm âm và nhẹ tiếng, đồng thời tiếng vẫn vang trong khi bạn chơi.
#2. Sử dụng các kỹ thuật fill-in, chạy ngón cho những chỗ ngân dài một cách phù hợp
Đối với bài hát có nhiều chỗ ngài dài nhịp, thì việc vận dụng fill-in hay chạy ngón là cần thiết. Có rất nhiều cách fill-in và chạy ngón khác nhau, theo các thế bấm khác nhau, tuy nhiên khi chạy ngón, fill-in bạn cần đảm bảo chơi đủ số nhịp được ngân dài, chứ không phải muốn chạy ngón hay fill-in bao nhiêu nhịp cũng được.
Phần chạy ngón, fill-in này đỏi hỏi tốc độ của hai tay kết hợp nhanh và không ngừng nghỉ, đồng thời kết hợp dậm pedal cũng sẽ giúp tiếng đàn liền mạch khi bạn chạy ngón trên nhiều quãng khác nhau.
Đê tập chạy ngón một cách cơ bản, bạn có thể chơi cùng một tư thế hợp âm trên nhiều quãng một cách liên tục đi lên và đi xuống không ngừng nghỉ và tập từ chậm đến nhanh dần. Càng chơi nhanh dần bạn càng nên thả lỏng cổ tay.
#3. Thay đổi tốc độ cho bài hát
Bạn có thể thay đổi tốc độ cho bài hát, đoạn đầu chậm, đoạn sau nhanh – tươi vui, tuỳ vào sắc thái của bài, không phải bài hát nào cũng có thể áp dụng thay đổi tốc độ, nhưng nếu bạn vận dụng phù hợp thì sẽ tạo ra sự khác biệt rất lớn cho bài hát.
Bạn cũng có thể chơi lơi nhịp, tức nhịp phách của bài không theo đúng một tempo đều đặn mà có thể giãn tempo dài hơn cho một số nốt nhạc, tuy nhiên cũng cần lưu ý không lạm dụng nhiều và chọn bài hát phù hợp, đặc biệt là những bài có phần dạo đầu có thể lơi nhịp được, vì nếu lơi nhịp quá nhiều hay áp dụng trên các bài hát không phù hợp sẽ khiến bài hát nghe không có trật tự.
#4. Thay đổi tiết tấu, thế bấm và cách đệm của tay trái
Bạn có thể vận dụng thêm nhiều thế bấm cho tay trái khác nhau, hay các tư thế đảo hợp âm khác nhau cho tay trái, thay đổi tiết tấu tay trái trong từng câu / từng đoạn của bài hát. Điều này sẽ khiến cho bài hát nghe đỡ nhàm chán và đơn điệu nếu chỉ sử dụng đúng một kiểu tay trái. Tuy nhiên, nếu bạn mới bắt đầu, thì không nên quá chú trọng vào việc chơi nhiều thế bấm cùng lúc, bạn cần tập từng thế bấm cho nhuần nhuyễn thì mối có thể kết hợp nhiều tư thế, thế bấm và tiết tấu khác nhau cho tay trái trong cùng một bài hát.
#5. Thêm các hợp âm màu vào bài hát
Hợp âm màu / mở rộng là những hợp âm không bắt buộc có trong bài hát, mà bạn có thể thêm thắt vào. Ví dụ thay vì chơi hợp âm C suốt 4 nhịp, thì bạn có thể thêm Csus4 / Csus2 (2 nhịp) rồi sau đó chơi C.
Hoặc thay vì chơi C thì bạn có thể chơi Cmaj7, C7, C9, C11, Cadd9 …
Các hợp âm màu và hợp âm mở rộng có cấu tạo nhiều hơn 3 nốt, sẽ phức tạp hơn khi kết hợp hai tay và vừa chơi solo giai điệu cùng lúc, thông thường sử dụng hợp âm màu hợp lý khi dùng cho những hợp âm ngân dài 4 nhịp hoặc hơn, hoặc dùng hợp âm màu cho bài đệm hát.
#6. Hoà âm cho bài hát khác đi
Ví dụ như bài hát Happy Birthday ở trên, bạn sẽ thấy có những hợp âm nghe rất lạ, được hoà âm lại theo phong cách jazz. Hoà âm nâng cao là một mảng khá phức tạp, và không phải lúc nào hoà âm mới lại cho bài hát cũng dễ nghe, tuy nhiên nó cũng khiến cho bài hát mang lại sắc thái và màu sắc mới. Nếu bạn muốn là nghệ sỹ chơi đàn chuyên nghiệp, thì sau khi chơi piano thành thạo có thể bổ sung thêm học hoà âm nâng cao, còn nếu bạn vẫn thích hoà âm đơn giản, thì không bắt buộc chú trọng vào phần này.
#7. Thay đổi tone/giọng cho bài hát: nâng giọng, hạ giọng 1/2 cung / 1 cung, hoặc chuyển sang các giọng thứ / trưởng song song.
Thay đổi giọng cho bài hát thường áp dụng khi bạn muốn lặp lại một đoạn cao trào nào đó của bài hát, ở giọng khác. Hay nếu bạn chơi bài hát nhiều lần, thì lần chơi sau bạn có thể đổi giọng cho bài hát.
Bạn có thể hiểu phần đổi giọng này như bài hát When You Believe bên dưới, khi hai người hát chung một bài, mỗi người hát theo một giọng khác nhau.
Bạn cũng có thể vận dụng tương tự khi chơi piano, thay đổi giọng trong cùng một bài hát với ý đồ khác nhau như: biểu thị cho hai người chơi khác nhau trong cùng một bài hát, tạo cao trào cho điệp khúc cuối cùng khi lặp lại bằng cách nâng tone / đổi tone, hoặc thay đổi từ một bài hát trọng trưởng và chơi sang giọng thứ song song cho bài hát đó.
#8. Vừa rải ngón vừa solo giai điệu
Sunny Choi là một nghệ sỹ piano đương đại rất hay sử dụng kỹ thuật này trong các bản piano cover của cô, bạn có thể để ý phần kết hợp hai tay của cô là kết hợp cả rải ngón và solo giai điệu, chứ không phải tách biệt tay trái đệm và tay phải giai điệu. Hai tay có thể cùng rải và cùng chơi giai điệu.
#9. Đổi phong cách cho bài hát
Cùng một bài hát The Spectre (Alan Walker), nhưng Ray Mak sẽ chơi piano cover theo phong cách sôi động, còn Bội Ngọc sẽ chơi piano theo phong cách nhẹ nhàng pop-ballad. Đó là ví dụ cho việc thay đổi phong cách cho cùng một bài hát.
Bài hát nhạc Bolero, Chachacha, Rhumba có thể chơi thành Pop-Ballad hoặc ngược lại, bài hát sôi động có thể chơi thành nhẹ nhàng, hoặc bài hát nhẹ nhàng có thể chơi thành sôi động. Để đổi phong cách cho bài hát, bạn cần học nhiều tiết tấu khác nhau của các thể loại nhạc khác nhau.
#10. Thay đổi thường xuyên thế bấm tay trái và kỹ thuật tay phải, thay đổi bố cục bài hát
Trong một bài hát, khi bạn đã có một số kiến thức và kinh nghiệm nhất định trong các kỹ thuật, tư thế tay trái, tay phải khác nhau thì hoàn toàn có thể phối hợp và vận dụng xen kẽ trong bài hát của mình. Nếu bạn mới bát đầu, có thể học theo phương pháp Piano Solo Method để có thể học từng kỹ thuật riêng lẻ và kết hợp các kỹ thuật với nhau sau khi hoàn thành chương trình.
Để làm được điều này, bạn cần sự linh động trong quá trình chơi đàn. Cũng như trước khi chơi đàn, bạn có thể thử nhiều cách chơi khác nhau và thử xen kẽ nó lại với nhau, chọn cách mình thấy ưng ý nhất. Không có công thức chung cho việc vận dụng xen kẽ nhiều kỹ thuật trong cùng bài hát, mà mỗi người theo cảm nhận và kinh nghiệm, khả năng của mình sẽ có cách phối hợp khác.
TỔNG KẾT BÀI VIẾT:
Như vậy, sau bài viết trên, Bội Ngọc đã chia sẻ đến bạn một số kỹ thuật giúp chơi piano cover hay hơn, sinh động hơn. Những kỹ thuật này đòi hỏi bạn đã có khả năng chơi kết hợp hai tay thuần thục, thì mới bắt đầu học thêm các kỹ thuật.
Bạn có thể vận dụng 1-2 kỹ thuật mới trong bài, không cần phải sử dụng tất cả những kỹ thuật trên.
Dưới đây là tổng kết 10 kỹ thuật thường sử dụng để bài hát hay hơn và sinh động hơn:
- Điều khiển lực ngón tay mạnh nhẹ
- Sử dụng các kỹ thuật fill-in, chạy ngón cho những chỗ ngân dài một cách phù hợp
- Thay đổi tốc độ cho bài hát
- Thay đổi tiết tấu, thế bấm và cách đệm của tay trái
- Thêm các hợp âm màu vào bài hát
- Hoà âm cho bài hát khác đi
- Thay đổi tone/giọng cho bài hát: nâng giọng, hạ giọng 1/2 cung / 1 cung, hoặc chuyển sang các giọng thứ / trưởng song song.
- Vừa rải ngón vừa solo giai điệu
- Đổi phong cách cho bài hát
- Thay đổi thường xuyên thế bấm tay trái và kỹ thuật tay phải, thay đổi bố cục bài hát
Đừng quên like/share bài viết, để lại bình luận của bạn.
Bội Ngọc
“Lan toả động lực, chia sẻ đam mê”
Theo dõi thêm các bài viết / khoá học hữu ích khác
- Chuyên mục các bài viết chia sẻ kinh nghiệm học đàn:
https://boingocpiano.com/chia-se-kinh-nghiem-tu-hoc-dan-piano/
- Chuyên mục các bài viết hỏi – đáp khi mới học đàn:
https://boingocpiano.com/hoi-dap-qa/
- Làm trắc nghiệm chọn khoá học phù hợp:
https://boingocpiano.com/tracnghiem/
- Nếu bạn có câu hỏi nào khác, hãy để lại bình luận bên dưới, hoặc gửi câu hỏi đến email: info@boingocpiano.com
GIỚI THIỆU SÁCH PIANO SOLO METHOD
Sách định hương cho người mới bắt đầu học chơi piano thành công!
Giá: 150.000 VNĐ
Bao gồm : 1 QUYỂN SÁCH PIANO SOLO METHOD (miễn phí giao hàng trong nước) + TÀI KHOẢN TRẢI NGHIỆM TỰ HỌC PIANO TRONG 15 NGÀY
🎹 Theo dõi Bội Ngọc tại: Fanpage Youtube
🎼 Xem thêm một số khóa học piano trực tuyến của Bội Ngọc
🎶 PIANO SOLO METHOD ® – Phương Pháp Chơi Piano Solo Thành Công
🎶 Đệm Hát Pop-Ballad cơ bản [COMBO5]
🎶 Phản Xạ Cảm Âm – Kỹ Năng Nâng Cao Chơi Piano Không Cần Bản Nhạc