Phương pháp cho người chơi guitar chuyển sang piano đệm hát

Từ guitar chuyển sang piano có khó không và cần chuẩn bị những gì? Bài viết sau đây sẽ cho mọi người có cái nhìn tổng quan về việc chuyển từ guitar sang chơi piano nhé.
Một lợi thế của một người từng chơi một nhạc cụ khác trước khi chuyển sang chơi piano, là người học đã phần nào có khả năng cảm nhận được nhịp điệu, cũng như một số nhạc lý cơ bản. Do đó lợi thế của một người từng học/chơi guitar chuyển sang chơi piano, là sẽ không phải làm quen lại từ đầu với kiến thức nhạc lý, cũng như nhịp phách, mà có thể đi thẳng vào chủ đề mình muốn học về piano (piano solo hay piano đệm hát).
>> Xem thêm về giống/khác nhau giữa piano solo và piano đệm hát.
Đối với một người từ đệm hát guitar sang đệm hát piano, bạn sẽ có khá nhiều thuận lợi, vì điểm tương đồng giữa đệm hát guitar và đệm hát piano là: đều chơi dựa vào hợp âm, hợp âm trên guitar và hợp âm trên piano là giống nhau (cấu tạo của 1 hợp âm cũng giống nhau), nếu trên guitar hợp âm C bạn chặn các nốt: Đô – Mi – Sol thì trên piano, bạn chỉ cần biết phím Đô – Mi – Sol ở đâu trên đàn, và cũng nhấn 3 phím như vậy để tạo thành hợp âm C.
Điểm khác nhau giữa chơi guitar và piano là cách kết hợp 2 tay trên 2 nhạc cụ khác nhau:
– Ở guitar: tay trái là tay chặn dây đàn để tạo thành hợp âm, tay phải chỉ có 2 động tác chủ yếu là móc dây hoặc quạt tay, và thông thường tay phải sẽ không được để ý nhiều, có thể chơi theo quán tính.
– Ở piano: sự tập trung cho 2 tay là đồng đều, cùng một lúc phải để ý đến cả 2 tay (2 tay cùng di chuyển, có lúc di chuyển cùng lúc, có lúc tay này di chuyển nhưng tay kia đứng yên), đó là lý do tại sao việc kết hợp 2 tay trong piano lại khó hơn.
Tuy nhiên, để dễ dàng cho việc kết hợp 2 tay trong piano, thì cũng từ nguyên lý tương tự guitar, một trong hai tay sẽ là tay mà mình ít quan tâm hơn, và thông thường đó là tay trái. Khi chơi piano, đa số mọi người sẽ tập trung nhìn tay trái hơn tay phải, tuy nhiên những người chơi piano thành thạo, lại tập trung tay phải hơn tay trái, và tay trái chơi theo thói quen và quán tính.
Để có được quán tính khi chơi tay trái trên piano, chúng ta cần tập thói quen: không nhìn tay trái quá nhiều khi chơi.
Tay trái trong piano chính là phần nền, và đi theo 1 quy luật, đều đặn để giữ nhịp. Do đó, nếu biết được các tư thế, quy luật chơi của tay trái trên piano, và điều khiển nó trở thành quán tính, thì việc kết hợp 2 tay khi chơi piano sẽ vô cùng dễ dàng.
Để đạt được quán tính cho tay trái, trung bình một thế bấm tay trái trên piano sẽ mất khoảng 1-2 tuần tập luyện, và 2-4 tuần để trở thành thói quen (luyện tập 30 phút – 1 tiếng/ngày)
Như vậy, từ guitar chuyển sang học piano đệm hát, bạn cần có sự chuẩn bị như sau:
- 1. Có đàn piano/organ để tập (có thể dùng organ để tập trong thời gian đầu vì cấu tạo phím đàn của piano và organ giống nhau)
- 2. Tập làm quen với đàn: đặt tay trên đàn sao cho thoải mái, mỗi ngón tay đặt trên 1 phím đàn và thả lỏng khi đặt trên đàn, tập di chuyển các ngón tay lên các phím đàn, làm quen với đàn.
- 3. Ôn lại các kiến thức nhạc lý từng học trên guitar (nốt nhạc, kí hiệu hợp âm, nhịp/phách, trường độ nốt nhạc, chỉ số nhịp)
- 4. Xác định vị trí các nốt nhạc/hợp âm trên đàn, tập di chuyển 2 tay từ hợp âm này sang hợp âm khác (Ví dụ: 2 tay cùng đặt hợp âm C và cùng di chuyển sang F)
- 5. Thử tập không nhìn tay và di chuyển 2 tay tới vị trí nốt mà mình muốn bằng cách ước chừng theo cảm giác.
Sau khi tự chuẩn bị cho mình những kĩ năng trên, đã đến lúc bạn có thể tìm 1 người hướng dẫn phù hợp với mình để học các kiểu đệm hát và tập đệm đàn piano.
>> Bạn cũng có thể tham khảo về sản phẩm DVD Tự học piano đệm hát nếu muốn đi thẳng vào piano đệm hát.
hoặc nhận Đăng kí trải nghiệm sản phẩm TẠI ĐÂY
Hiểu về sự khác nhau, giống nhau giữa guitar và piano như vậy, giờ đây Bội Ngọc sẽ gợi ý cho bạn một lộ trình học piano đệm hát hiệu quả trong 8 tuần cho người từ guitar chuyển sang piano đệm hát nhé:
– Tuần 1: Học cách ghi nhớ các phím đàn trên piano, vị trí của từng nốt nhạc trên phím đàn, ôn lại kiến thức nhạc lý về đọc bản nhạc (chỉ số nhịp, trường độ nốt nhạc, cấu tạo hợp âm)
– Tuần 2-3: Làm quen với các tiết tấu đệm hát đơn giản dành cho nhạc Pop-Ballad, các thế bấm dành cho tay trái, và cách kết hợp tay phải cùng lúc với tay trái, tập chuyển hợp âm 2 tay thuần thục trên những thế đệm đơn giản.
– Tuần 4-8: Áp dụng các thế đệm lên bài hát, học các thế đệm mới và tập xen kẽ các kiểu đệm với nhau. Tập thêm cách Intro, Ending cho bài hát và vừa đàn vừa hát.
Đối với các bạn muốn chuyển từ guitar sang piano solo, thì sẽ đòi hỏi nhiều kĩ năng hơn (kĩ năng đọc nốt nhạc trên bản nhạc, đọc các kí hiệu âm nhạc), cũng như thời gian luyện tập lâu hơn, do đó, bạn có thể bắt đầu từ piano đệm hát (để xây dựng được quán tính cho tay trái khi chơi piano), sau đó chuyển sang piano solo.
Hãy để lại bình luận ở bên dưới cho Bội Ngọc biết bạn còn có thắc mắc hay phân vân, khó khăn gì khi chuyển từ chơi guitar sang piano không nhé.
Bội Ngọc
Chia sẻ động lực, lan tỏa đam mê
🎹 Theo dõi Bội Ngọc tại: Fanpage Youtube
🎼 Xem thêm một số khóa học piano trực tuyến của Bội Ngọc
🎶 PIANO SOLO METHOD ® – Phương Pháp Chơi Piano Solo Thành Công
🎶 Đệm Hát Pop-Ballad cơ bản [COMBO5]
🎶 Phản Xạ Cảm Âm – Kỹ Năng Nâng Cao Chơi Piano Không Cần Bản Nhạc
🎶 Trọn Bộ Đệm Hát Piano Cơ Bản (Basic Accompaniment)
13 Comments
Chào Bội Ngọc,
Cám ơn bài viết của em. Thực ra anh đang muốn kết hợp cho bé nhà anh (5 tuổi) hoc piano luôn, còn a thì muốn học piano đệm hát. Vậy piano điện tử có phù hợp cho 2 mục đích trên ko.
Rất ngưỡng mộ em
Nguyễn Long
Chào anh Long,
Chắc là anh đang phân vân giữa chọn đàn piano điện và piano cơ, em không hoàn toàn khuyên anh nên sử dụng loại nào vì mỗi loại có đặc điểm riêng mà sẽ phù hợp với tính cách cũng như điều kiện sử dụng của từng người. Cảm giác khi chơi trên piano điện và piano cơ có khác nhau 1 chút (nhưng hoàn toàn có thể làm quen được), cũng khá nhiều người từ piano điện chuyển sang piano cơ hay ngược lại từ piano cơ chuyển sang dùng piano điện (đa số vì điều kiện sống và sử dụng thay đổi). Nếu không với mục đích biểu diễn sân khấu (nếu là nghệ sỹ chơi piano thì chắc chắn trước sau gì cũng phải đổi sang piano cơ), và không có không gian riêng khi tập đàn (có thể bị ảnh hưởng tới xung quanh khi tập đàn) thì có thể chọn piano điện là hợp lý (một số đời piano điện mới bây giờ cũng được thiết kế khá hiện đại và gần giống nhất với âm thanh của piano cơ).
Khi chơi piano cơ có 1 cái là nếu mới bắt đầu chơi thì tiếng của nó khá vang (có thể hơi ồn ào khi chơi), và có thể bản thân người chơi cũng chưa điều khiển được âm lượng to nhỏ khi chơi, cũng như không gian phòng nhỏ thì tiếng piano cơ nghe sẽ hơi ồn.
Nhiều nghệ sỹ chơi piano em biết cũng chỉ có piano điện ở nhà, chứ không phải ai cũng sắm được piano cơ, nhưng khi biểu diễn trên piano cơ họ vẫn chơi được hay và thành thạo.
Tuy nhiên như em có đề cập là sẽ mất một ít thời gian để anh có thể chế ngự được 1 cây đàn khác loại với cây đàn mình sử dụng ở nhà (em chơi piano điện ở nhà nhưng nếu biểu diễn trên piano cơ thì em sẽ phải làm quen với piano cơ khoảng 1-2 tiếng hoặc hơn trước khi biểu diễn) vì lực tay và cảm giác tay dành cho 2 loại đàn này có hơi khác chút xíu.
Và quan điểm của em: người chơi đàn hay thì dù chơi trên cây đàn như thế nào đi nữa cũng phải chơi sao cho nó trở thành hay, cây đàn không phải là yếu tố chính, mà người chơi đàn mới là yếu tố chính cần được đầu tư.
Đó là một số suy nghĩ của em, mong là phần nào giúp anh lựa chọn được đàn phù hợp với điều kiện sống của mình.
Anh chào Ngọc , anh là nhạc sĩ sáng tác , anh sử dụng guitar và chủ yếu ký âm bằng encore , hiện tại anh đang học và tìm hiểu về hoà âm phối khí cũng như làm midi , bắt buộc phải biết chạy ngón trên bàn phím , và hoà âm bằng piano , mà khổ nỗi hai cái tay và các ngón tay nó không nghe lời anh , phiền Ngọc cho anh lời khuyên làm cách nào có thể thuần thục và điều khiển được ngón tay cách nhanh nhất , nói vui là chia não…cám ơn ơn Ngọc , chúc Ngọc nhiều sức khoẻ….
Chào anh Tử, ai chơi piano cũng đều gặp phải khó khăn thời gian đầu là kết hợp hai tay với nhau cho đúng ý mình, thông thường kết hợp 2 tay thì một trong hai tay anh sẽ ít để ý hơn (có thể không nhìn vẫn chơi đúng ).
Anh có thể bắt đầu tập 2 tay bang những đoạn/dòng nhạc ngắn, 2-3 lần tập đầu tiên thì anh cố gắng tập trung vào tay nào đánh trước, tay nào đánh sau, tập từng tay cho thuần thục, nhưng sau khi tập lần thứ 4 thì không để ý như vậy nữa mà thả lỏng và tập trung vào âm thanh phát ra.
giá mà Bội Ngọc ở HN nhỉ :X
A cám ơn Ngọc, giờ anh có thể chơi được cả hai tay cho một ca khúc rồi. Chúc Ngọc nhiều sức khoẻ
chào chị Ngọc, em muốn hỏi liệu có thể chơi cả piano và guitar đc ko? em chơi guitar đc gần 2 năm và để móng tay phải, giờ đang chơi piano nên cắt hết móng tay nên chơi một số kĩ thuật guitar hơi khó và đau do ko còn móng tay. chị có thể tư vấn giải pháp cho em ko ạ?
chị có quen ai chơi 2 loại nhạc cụ này đồng thời thì hỏi giúp em nha!
thêm nữa là em đang rất hâm mộ chị, em rất mê những bản nhạc chị chơi. Cảm ơn chị đã chơi hay như vậy ạ! 🙂
Cám ơn Huyền đã theo dõi và ủng hộ Ngọc nha, nếu bạn đang để móng tay để chơi guitar và cả piano thì vẫn không sao (miễn là đừng để móng dài quá), nếu để móng tay dài thì chơi piano sẽ nghe tiếng cộp cộp của móng tay khi đánh trên đàn, bạn cũng có thể dùng phần thịt ở lóng đầu ngón tay để bấm sẽ giảm bớt cọ xát móng với đàn thay vì bấm đầu ngón tay trên đàn nhé.
Chào chị Ngọc
Người mới bắt đầu học piano nên học đánh solo hay đánh đệm hát trước ạ?cái nào khó hơn vậy c?e cảm ơn
Chào Huyền, mới bắt đầu học piano thì mình đi theo đường Solo Piano vì sẽ nắm lại nhạc lý căn bản cũng như học kĩ năng đọc bản nhạc để chơi. Đệm Hát phù hợp cho người có tưng học nhạc cụ khác hoặc đã biết nhạc lý và chỉ có mục tiêu đệm hát sẽ phù hợp hơn em nhé.
Con gái mình học piano mấy năm, giờ lại muốn tập thêm guitar thì có nên ko? Chơi guitar dễ bi chai đầu ngón tay sợ ảnh hưởng đến việc tập piano, hơn nữa chơi guitar lsji để móng tay cũng mâu thuẫn với chơi piano.
Em chào Chị ạ! Em mới đầu học guitar nhưng giờ chuyển sang piano. Theo em học thì khi đệm các điệu trên guitar thường lấy kí hiệu để đọc như bùm-chách-chách(valse). Vậy Chị cho em hỏi là đệm hát các điệu trên piano có áp dụng như vậy (bùm-tay trái, chách-tay phải ) được không ạ? Mong Chị trả lời, em cảm ơn Chị nhiều♥️
Em có thể áp dụng như vậy trên piano nhé