Nguyễn Thị Quỳnh Anh- “…quan trọng là chọn cách học piano nào cho phù hợp với khả năng của mình…”

Chị Quỳnh Anh chia sẻ với Bội Ngọc rằng: “Không có câu chuyện đúng sai cho một phương pháp học nào, chỉ là mình chọn cách học piano nào cho phù hợp với khả năng của mình”
“Mình đến với piano từ đầu tháng 10 năm ngoái gần như từ con số 0 về các nốt nhạc khoá Fa và Hợp Âm. Mình cũng có đọc về nhạc lý cơ bản nhưng đọc lý thuyết thì không vào đầu mấy, thấy khó khó. Nhưng rồi mình đã chọn 2 cách học đan xen: chơi Solo Method của Ngọc và chơi bản nhạc 2 tay.
Việc học bản nhạc hai tay kiểu chính quy thì mất thời gian và cũng hơi khó, nhưng nó cũng bổ trợ rất nhiều cho phương pháp Solo Method. Mỗi phương pháp dành cho một đối tượng học viên, nhưng mình thấy kết hợp cả 2 có cái hay là bạn có thể chơi các bản nhạc mình thích mà ko cần có sheet tay trái, đồng thời chơi được các bản có sheet chính quy. Không quan trọng là mình phải chơi được bản nhạc gốc mà quan trọng là mình chơi phải có hồn. Quan trọng phải là ” thần thái” đó.
Khi mình tập chơi đúng theo các hướng dẫn của Bội Ngọc đã nhuần nhuyễn, không cần tập trung vào nốt nhiều nữa thì cần thả lỏng cơ thể, có cảm xúc thì tự nhiên sẽ hay. Việc học bản nhạc 2 tay chủ yếu mình tự học, thời gian đầu tập trong quyển Methode Rose, sau đó tìm đến Bội Ngọc tình cờ khi tìm hiểu về các hợp âm. Mình xem các clip của Bội Ngọc theo từng tuần, mình không tập y như Ngọc vì không thể nào nhớ tay Ngọc đặt ở đâu, chỉ cần biết là chơi 3 nốt hay 4 nốt, 5… và hợp âm là mình tự di chuyển, nghe sao nó hợp tai là được. Phần hậu mãi của Ngọc có 5-7 kiểu tay trái, chạy ngón.
Một bí quyết nho nhỏ mình rút ra được trong quá trình học đó chính là chỉ cần tập luyện chăm chỉ với tất cả các hợp âm là bạn đã thành công rồi. Để tập nhanh tay trái, bạn vừa hát lên, vừa chơi tay trái, sẽ dễ hơn nhiều đấy. Việc chạy ngón cho kết bài cũng phải chăm chỉ luyện tập thôi, tuỳ từng bản nhạc để lựa chọn việc đoạn kết bài ngắn hay dài.
Nhân tiện đây mình chia sẻ một trích đoạn đã viết về việc học Piano, dựa trên những hiểu biết sơ bộ và còn nhiều điều cần khám phá lắm.
” Trước kia tôi chưa từng biết chính xác việc học piano khó hay dễ. Với tôi thì thấy làm sao mình có thể chơi 2 tay cùng một lúc và cảm thấy rất lạ lùng và khâm phục những ai chơi piano. Có thể nhiều người chơi đàn nghiệp dư cũng vẫn chưa thể biết, chơi đàn là một sự khổ luyện. Tôi còn nhớ những ngày học violin thời bé, ngày nào cũng tập 1h đồng hồ, tập mấy tuần vẫn chưa xong 1 bài, chán nản lắm. Và cho đến bây giờ, khi tôi có thể học và chơi piano, tôi càng ngấm câu chuyện khổ luyện. Nếu chỉ đơn giản là có thể chơi 1 vài bản nhạc trong vài tuần thì cũng không có gì khó. Phương pháp Solo Method của Bội Ngọc là một phương pháp rất hay, dễ học. Nhưng thực chất việc sử dụng các vòng hợp âm và cách chơi trong một hợp âm thì là một câu chuyện cũng kinh khủng. Không phải vì tôi mới tập nên thấy kinh khủng mà giống như dãy số, âm nhạc là cảm hứng bất tận với hàng ngàn cách sáng tạo. Tôi cảm thấy rất thú vị, điều mà trước kia khi chơi violin tôi không thể biết. Khi càng khám phá những điều mới mẻ trong âm nhạc, tôi càng thấy say mê. Việc đơn giản không chỉ chơi đúng nốt, nghe vui vui tai mà cần có sắc thái. Cái khó khi kết hợp 2 tay, không phải khi nào cũng cùng một sắc thái cho 2 tay, 1 tay thì chơi legato, 1 tay thì chơi staccato, đòi hỏi sự làm việc độc lập của 2 bán cầu não, chân giữ nhịp, mắt nhìn bản nhạc, tay bấm xuống phím mà không nhìn, rồi chơi bằng cảm âm. Tất cả cơ thể phải căng lên cho một bản nhạc mới tinh. Chưa kể có lúc phải chơi to, chơi nhỏ, rồi sử dụng pedal sao cho tiếng đàn nó hay, ngắt nghỉ chân pedal khi chuyển từ legato sang staccato trong cùng 1 ô nhịp. Dậm pedal cũng giống như thêm gia vị cho bản nhạc. Không thể quá mặn hoặc quá nhạt, điều chỉnh sao cho vừa mới là chuyện khó khi kết hợp với đủ các thứ ở trên. Lực dậm chân và cách nhả, tốc độ nhả chân cũng rất quan trọng. Kết hợp tất cả các kỹ thuật đó, năng lượng cơ thể bắt đầu toả ra. Âm nhạc và piano thật tuyệt diệu. Giờ thì còn có ai nói chơi piano dễ nữa không nếu không thực sự biết rõ về điều này. Một sự khổ luyện. Đáng để học và chơi!”
Và để kết thúc bài viết có vẻ quá dài, với bản thân mình, mình nghĩ rằng
“Không có câu chuyện đúng sai cho một phương pháp học nào, chỉ là mình chọn cách nào cho phù hợp với khả năng của mình”.
Một số bài thực hành của chị Quỳnh Anh trong khóa học
Song from a secret garden